Phô mai là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, magie, kẽm, vitamin A, B2, B12, rất cần thiết cho sự phát triển của bé, đặc biệt là phát triển chiều cao và thể chất. Tuy nhiên, khi nấu cháo phô mai cho bé, chúng ta cần chú ý đến định lượng, rau củ, gia vị kết hợp để món cháo thực sự ngon mắt và dinh dưỡng.
Liều lượng phô mai cho bé ăn dặm hàng ngày
Do phô mai chứa rất nhiều dưỡng chất, bao gồm canxi, chất đạm và chất béo, nếu không kiểm soát kỹ lượng phô mai cho bé ăn hàng ngày, bé có thể dễ dàng thừa chất, béo phì hoặc mắc các bệnh nguy hại khác. Tùy thuộc vào loại phô mai mà mẹ cho bé ăn, liều lượng khuyến nghị hàng ngày sẽ có sự khác nhau.
1. Với phô mai dạng kem mềm
- Bé từ 5-6 tháng: Chỉ ăn dưới 12g/ngày.
- Bé từ 7-8 tháng: Chỉ ăn dưới 20g/ngày.
- Bé từ 9-11 tháng: Chỉ ăn dưới 24g/ngày.
- Bé từ 12-18 tháng: Chỉ ăn dưới 30g/ngày.
2. Với phô mai dạng viên, miếng
- Bé dưới 6 tháng không nên ăn.
- Bé từ 7-8 tháng: Chỉ ăn dưới 12g/ngày.
- Bé từ 9-11 tháng: Chỉ ăn dưới 14g/ngày.
- Bé từ 12-18 tháng: Chỉ ăn dưới 17g/ngày.
Nấu cháo phô mai với rau gì?
Phô mai nấu cháo cho bé phù hợp nhất là nấu cùng các loại củ như khoai tây, cà rốt, bông cải xanh, súp lơ. Trước khi nấu cháo, mẹ có thể ngâm gạo trong 30 phút để gạo mềm và cháo nhanh chóng nhừ hơn.
Cho phô mai vào cháo khi nào?
Cách thành phần dinh dưỡng trong phô mai có thể bị biến đổi nếu nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. Do đó, để không mất đi tác dụng dinh dưỡng của phô mai, mẹ chỉ nên cho phô mai vào cháo khi đã hoàn thành xong việc nấu cháo. Lúc này phô mai chỉ việc trộn đều cùng với cháo và cho bé ăn ngay khi còn nóng ấm. Như vậy sẽ đảm bảo không bị mất đi dinh dưỡng từ loại thực phẩm bổ dưỡng này.
Gợi ý 6 cách nấu cháo phô mai cho bé thơm ngon, bổ dưỡng
Sau đây là những cách nấu cháo phô mai cho bé ăn dặm vô cùng ngon miệng, hấp dẫn, giúp cung cấp dưỡng chất cho bé khỏe mạnh, các mẹ có thể tham khảo:
1. Cách nấu cháo phô mai cá hồi
Cá hồi là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, khoáng chất và các chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Do đó, cá hồi thường xuất hiện trong nhiều món ăn khác nhau cho bé ăn dặm.
1.1. Nguyên liệu
- Cá hồi: 50g
- Gạo: 50g
- Phô mai: 1 miếng nhỏ
- Dầu ăn, gia vị, hành tỏi.
1.2. Cách nấu cháo phô mai cho bé với cá hồi
- Vo gạo sạch với nước và nấu cháo.
- Rửa sạch cá hồi và khử mùi tanh của cá bằng chanh.
- Phi hành tỏi rồi băm nhuyễn, nêm cùng với ít nước mắm để cá ngấm gia vị.
- Khi cháo đã chín, bỏ cá hồi vào rồi tiếp tục nấu, nêm thêm chút dầu ăn vào trong nồi cháo.
- Sau khi nồi cháo sôi và chín, bắc ra ngoài, để nguội còn 70-80 độ thì cho phô mai vào khuấy đều, cho bé ăn khi còn nóng.
2. Cách nấu cháo phô mai thịt bò và cà rốt
Các mẹ có thể kết hợp thịt bò với cà rốt để tạo thành một món cháo bổ dưỡng và ngon miệng cho bé. Sau đây là cách thực hiện:
2.1. Nguyên liệu
- Thịt bò: 50g
- Gạo: 50g
- Cà rốt: ½ củ nhỏ
- Phô mai: 1 miếng nhỏ
- Dầu ăn, gia vị, hành tỏi.
2.2. Cách nấu cháo phô mai cho bé với thịt bò và cà rốt
- Vo sạch gạo rồi đem ninh nhừ để thành cháo.
- Rửa sạch thịt bò, cà rốt rồi băm hoặc xay nhuyễn.
- Khi cháo bắt đầu nhừ, cho cà rốt, thịt bò đã băm (xay nhuyễn) vào và khuấy đều.
- Khi cháo chín để lửa liu riu rồi cho dầu ăn vào.
- Sau khi sôi, bắc ra ngoài để nguội một chút (độ nóng của cháo tương tự như cháo phô mai, cá hồi) thì cho phô mai vào khuấy đều và cho bé ăn khi còn nóng.
3. Cách nấu cháo phô mai tôm và súp lơ
Tôm chứa nhiều khoáng chất thiết yếu, trong khi súp lơ giàu vitamin quan trọng giúp bé khỏe mạnh và tăng cường hệ miễn dịch.
3.1. Nguyên liệu
- Gạo: 50g
- Tôm: 100g
- Hành tây: ¼ củ
- Súp lơ: 50g
- Phô mai: 1 viên nhỏ
- Gia vị cho bé, dầu ăn, hạt nêm.
3.2. Cách nấu cháo phô mai cho bé ăn dặm với tôm và súp lơ
- Vo sạch vào nấu cháo cho thật nhừ.
- Rửa sạch, xắt nhỏ súp lơ, hành tây.
- Tôm rửa sạch, băm nhuyễn hoặc xay nhỏ.
- Phi thơm hành tây, tôm, súp lơ cùng dầu ăn. Khi cháo sôi, bắt đầu như thì cho vào nồi cháo.
- Sau khi sôi, bắc ra ngoài để nguội một chút (độ nóng tương tự như cháo phô mai, cá hồi) thì cho phô mai vào rồi khuấy đều và cho bé ăn khi còn nóng.
4. Cách nấu cháo phô mai trứng gà
Nếu không biết nên nấu cháo với phô mai cùng với nguyên liệu nào khác, mẹ có thể lựa chọn trứng gà. Trứng gà là thực phẩm bổ dưỡng, thích hợp cho bé ăn thường xuyên mà không gây ảnh hưởng đến tiêu hóa.
4.1. Nguyên liệu
- Gạo: 50g
- Lòng đỏ trứng gà: 1 cái
- Phô mai: 1 viên nhỏ
- Dầu ăn, gia vị cần thiết
4.2. Cách nấu cháo phô mai cho bé với trứng gà
- Vo gạo và nấu thành cháo mềm.
- Sau khi cháo chín mềm, đánh lòng đỏ trứng ra rồi cho vào nồi cháo đang nấu trên bếp.
- Cháo sôi thì bắc nồi xuống để nguội một chút (độ nóng tương tự như cháo phô mai cá hồi) rồi cho phô mai vào khuấy đều. Cho thêm chút dầu ăn để tăng hấp thụ chất dinh dưỡng.
5. Cách nấu cháo phô mai bí đỏ
Bí đỏ là loại rau củ bổ dưỡng mà bất kỳ bà mẹ nào cũng nên sử dụng cho bé ăn dặm. Ngoài ra, bí đỏ còn có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau, trong đó có phô mai.
5.1. Nguyên liệu
- Gạo: 50g
- Phô mai: 1 viên nhỏ
- Bí đỏ: 50g
- Dầu ăn, gia vị, nước mắm
5.2. Cách nấu cháo phô mai cho bé với bí đỏ
- Gạo vo sạch, sau đó đem đi nấu thành cháo.
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch sau đó thái nhỏ rồi mang đi hấp chín nhừ. Sau khi bí đỏ chín nhừ, hãy nghiền thật mịn.
- Cho bí đỏ nghiền vào nồi cháo đang sôi để nấu cho đến khi cháo chín nhừ hoàn toàn.
- Nêm thêm gia vị cho vừa khẩu vị của bé, sau đó múc cháo ra bát rồi cho phô mai vào khuấy đều. Cho bé ăn ngay khi cháo còn nóng ấm.
6. Cách nấu cháo phô mai khoai lang
Cách thực hiện món cháo với khoai lang, khoai tây hay khoai môn đều như nhau. Do đó các mẹ có thể thay đổi để đa dạng cho bữa ăn hàng ngày của các con.
6.1. Nguyên liệu
- Gạo nếp: 20g
- Gạo tẻ: 30g
- Khoai lang: 1 củ nhỏ
- Phô mai: 1 viên nhỏ
- Gia vị cho bé, dầu ăn, hạt nêm
6.2. Cách nấu cháo phô mai cho bé ăn dặm với khoai lang
- Gạo vo sạch, sau đó đem đi nấu thành cháo.
- Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch sau đó thái nhỏ rồi mang đi hấp cho thật chín nhừ. Sau khi khoai lang đã chín nhừ, các mẹ hãy nghiền cho thật mịn.
- Cho khoai lang nghiền vào nồi cháo đang sôi để nấu cho đến khi cháo chín nhừ hoàn toàn.
- Nêm thêm gia vị cho vừa khẩu vị của bé, sau đó múc cháo ra bát rồi cho phô mai vào khuấy đều. Cho bé ăn ngay khi cháo còn nóng ấm.
Lưu ý cần biết khi nấu cháo phô mai cho bé ăn dặm
- Thông thường, từ 6 tháng tuổi trở lên, bé có thể ăn phô mai, tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho bé ăn ít để thăm dò phản ứng của bé.
- Đối với bé dưới 1 tuổi, loại phô mai có hàm lượng chất béo không quá 20% là thích hợp nhất.
- Không nên để bé ăn riêng phô mai trước bữa ăn hoặc ăn khi đói để tránh tình trạng đầy bụng, đặc biệt trước khi bé đi ngủ.
- Phải để cháo chín hoặc món ăn chín, tắt bếp và để nguội cho đến khi còn khoảng 70-80 độ. Ở nhiệt độ này, phô mai không bị mất chất.
- Không nên cho quá nhiều dầu vì phô mai đã chứa nhiều chất béo, gây thừa chất và khiến bé cảm thấy ngán.
- Không nên nấu cháo phô mai cho bé với lươn, cua, rau dền hoặc rau mồng tơi.
Với những cách nấu cháo phô mai cho bé ăn dặm đã được đề cập ở trên, dù mẹ có "đoảng" đến cỡ nào, cũng có thể thực hiện nhanh chóng và dễ dàng. Bên cạnh đó, bổ sung phô mai sẽ kích thích bé ăn nhiều hơn, ngon miệng hơn và cung cấp thêm canxi cần thiết để bé đạt được chiều cao tối ưu.