Xem thêm

Chỉ số NEU là gì? Chỉ số NEU trong máu cảnh báo bệnh lý gì?

CEO Hưng Tabi
Chỉ số NEU trong xét nghiệm máu cung cấp thông tin về số lượng bạch cầu trung tính có trong máu. Đây là một chỉ số trong công thức máu. Vậy chỉ số NEU trong...

Tổng quan về chỉ số NEU trong xét nghiệm công thức máu

Chỉ số NEU trong xét nghiệm máu cung cấp thông tin về số lượng bạch cầu trung tính có trong máu. Đây là một chỉ số trong công thức máu. Vậy chỉ số NEU trong xét nghiệm máu là gì? Chỉ số NEU cao trong máu là bao nhiêu? Mời mọi người cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này nhé!

Bạch cầu trung tính (NEU) là gì?

Bạch cầu trung tính (NEU, neutrophil) là bạch cầu nằm trong phân nhóm bạch cầu hạt (granulocyte) cùng với bạch cầu ưa acid và bạch cầu ưa kiềm. Đây cũng là loại bạch cầu có số lượng nhiều nhất trong cơ thể. Trong đáp ứng miễn dịch bẩm sinh, bạch cầu trung tính được xem là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể trước các tác nhân gây hại.

Khi cơ thể phát hiện có dấu hiệu bị nhiễm trùng, tế bào bạch cầu trung tính sẽ được huy động trước tiên đi đến vị trí bị xâm nhiễm, để tấn công và tiêu diệt các vi sinh vật gây hại bằng cách giải phóng các gốc oxy hóa tự do. Ngoài ra, chúng còn đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng viêm cấp tính, mạn tính và trong một số bệnh tự miễn.

Bạch cầu đa nhân trung tính (neutrophil) là gì?

Chỉ số NEU trong máu là gì?

Chỉ số NEU trong máu là chỉ số được sử dụng để theo dõi số lượng bạch cầu trung tính có trong cơ thể. Đây cũng là một thông số thường thấy trong xét nghiệm công thức máu (CBC) hay còn được gọi là xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều cơ sở y tế có sử dụng chỉ số NEU%. Chỉ số NEU% cho biết tỷ lệ bạch cầu trung tính có trong tổng số bạch cầu có trong máu.

Chỉ số NEU trong xét nghiệm máu là gì?

Ý nghĩa xét nghiệm chỉ số NEU trong máu?

Chỉ số NEU (chỉ số NEUT) trong máu cung cấp thông tin về số lượng bạch cầu trung tính. Trong nhiều trường hợp, chỉ số này có thể tăng cao hoặc giảm thấp bất thường. Điều này có thể báo hiệu một số vấn đề sức khỏe cần lưu tâm.

Các thông tin được đề cập trong những phần kế tiếp chỉ mang tính tham khảo. Vì thế, nên chủ động gặp bác sĩ khi chỉ số NEU bất thường để được tư vấn hoặc thăm khám kỹ càng.

Chỉ số NEU trong máu bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số NEU trong máu bình thường ở người lớn trong máu dao động khoảng 2500 - 7000 tế bào/uL (2,5 - 7 G/L hoặc 2,5 - 7 K/uL). Bên cạnh đó, chỉ số NEU% bình thường chiếm khoảng 40% - 60% trong tổng số bạch cầu có trong máu.

Các giá trị chuẩn có thể thay đổi tùy theo chất lượng cơ sở vật chất hoặc năng lực của kỹ thuật viên thực hiện ở mỗi phòng thí nghiệm. Do đó, để có kết quả chính xác và đánh giá đúng chỉ số NEU, nên tham vấn ý kiến của bác sĩ.

Chỉ số NEU trong máu cao là bao nhiêu?

Chỉ số NEU trong máu cao khi số lượng bạch cầu trung tính nhiều hơn 7000 tế bào/uL (nhiều hơn 7 G/L hoặc 7 K/uL) hoặc chỉ số NEU% lớn hơn 60%. Tình trạng này là tăng bạch cầu trung tính (neutrophilia), cho biết cơ thể hiện đang sản xuất nhiều bạch cầu trung tính hơn mức bình thường.

Chỉ số NEU cao phản ánh cơ thể đang phải chống lại một loại viêm nhiễm nào đó. Không chỉ vậy, chỉ số NEU trong máu cao cũng có thể liên quan đến một số bệnh lý nghiêm trọng hơn như là rối loạn tăng sinh tủy (MPNs), dẫn đến số lượng bạch cầu được sản sinh ra bất thường.

Chỉ số NEU trong máu thấp là bao nhiêu?

Chỉ số NEU trong máu thấp khi số lượng bạch cầu trung tính ít hơn 2500 tế bào/uL (ít hơn 2,5 G/L hoặc 2,5 K/uL) hoặc chỉ số NEU% nhỏ hơn 40%. Chỉ số NEU thấp còn gọi là hiện tượng giảm bạch cầu trung tính (neutropenia). Khi đó, cơ thể không có đủ lượng bạch cầu trung tính cần thiết.

Nhiễm trùng có thể làm tăng chỉ số NEU

Nguyên nhân làm chỉ số NEU cao là gì?

Chỉ số NEU cao báo hiệu cơ thể hiện đang chống lại các tác nhân xâm nhiễm từ bên ngoài như là vi khuẩn, nấm,… hoặc đang gặp một số bệnh lý rối loạn về máu.

Tuy nhiên, để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân làm tăng NEU, bác sĩ cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác. Vì thế, nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết khi chỉ số NEU của bản thân tăng cao.

Các nguyên nhân làm tăng bạch cầu trung tính khác có thể kể đến gồm tình trạng béo phì, thừa cân, hút thuốc lá, căng thẳng quá mức, sử dụng một số loại thuốc điều trị,…

Nguyên nhân làm chỉ số NEU thấp là gì?

Chỉ số NEU thấp là tình trạng cơ thể không có đủ lượng bạch cầu trung tính như bình thường. Nguyên nhân có thể do có quá trình sản sinh bạch cầu gặp vấn đề hoặc các tế bào bạch cầu trung tính bị chết nhiều hơn bình thường.

Khi chỉ số NEU thấp, điều này đồng nghĩa nguy cơ bị nhiễm trùng tăng cao. Do đó, nên gặp bác sĩ để được giải đáp kỹ lưỡng về kết quả xét nghiệm cũng như có hướng điều trị phù hợp.

Một số nguyên nhân làm chỉ số NEU thấp là:

  • Thuốc
  • Nhiễm trùng
  • Một số loại ung thư
  • Giảm bạch cầu trung tính tự miễn (AIN)
  • Bệnh lý di truyền

Cách đọc chỉ số NEU trong xét nghiệm máu

Cách đọc chỉ số NEU trong xét nghiệm máu là gì?

Chỉ số NEU (chỉ số NEUT) là một chỉ số nằm trong công thức máu. Chỉ số NEU bình thường nằm trong khoảng từ 2,5 - 7 G/L. Tuy nhiên, tuỳ vào cơ sở y tế mà khoảng tham chiếu có thể khác nhau. Dưới đây, là hướng dẫn cách đọc chỉ số NEU trong xét nghiệm công thức máu cũng như tương tự các chỉ số: RBC, MCHC, MPV, PLT,…

Cách đọc chỉ số NEU (chỉ số NEUT) trong xét nghiệm máu:

  • Tên chỉ số: NEU hoặc NEUT.
  • Kết quả chỉ số: giá trị của chỉ số NEU của bạn sẽ được trình bày tại đây.
  • Khoảng tham chiếu: trình bày chỉ số NEU bình thường giúp bạn có căn cứ để đối chiếu.
  • Đơn vị: tùy vào cơ sở y tế mà chỉ số NEU có đơn vị là K/uL, G/L.

Cách đọc tỷ lệ NEU% trong xét nghiệm máu

Song song đó, trong xét nghiệm công thức máu còn có chỉ số NEU%. Giá trị bình thường của NEU% sẽ nằm trong khoảng 40 - 60%. Dưới đây là hướng dẫn cách đọc kết quả chỉ số NEU% trong xét nghiệm.

Cách đọc chỉ số NEU% trong xét nghiệm máu:

  • Tên chỉ số: NEU%.
  • Kết quả chỉ số: Giá trị của chỉ số NEU% của bạn sẽ được trình bày tại đây.
  • Khoảng tham chiếu: Trình bày chỉ số NEU% bình thường giúp bạn có căn cứ để đối chiếu.
  • Đơn vị: phần trăm (%).

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số NEU?

Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm xét nghiệm công thức máu để biết được chỉ số NEU cũng như nhiều thông số khác về máu như (chỉ số RDW, chỉ số HCT, chỉ số MCV, chỉ số HGB, chỉ số MCH,…). Xét nghiệm công thức máu thường được chỉ định trong khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư tiêu hóa. Để kết quả xét nghiệm được chính xác, bạn nên lưu ý một số thông tin như sau.

Các lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm công thức máu:

  • Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm: Xét nghiệm này không yêu cầu nhịn ăn trước khi xét nghiệm công thức máu, trừ khi có hướng dẫn đặc biệt từ bác sĩ.
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Trước khi xét nghiệm, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế về các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn giúp bác sĩ hiểu hơn về tình trạng sức khỏe và hạn chế ảnh hưởng kết quả.
  • Mặc đồ thoải mái: Mặc đồ thoải mái giúp nhân viên y tế tiếp cận dễ dàng và thu thập mẫu máu một cách thuận tiện.
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế: Nhân viên y tế sẽ cung cấp những thông tin cụ thể về thời gian đặt lịch và các hướng dẫn cần thiết để bạn chuẩn bị tốt nhất cho buổi xét nghiệm.

Câu hỏi thường gặp

Tài liệu tham khảo:

  1. Tahir, Nayha, and Farah Zahra. “Neutrophilia.” NCBI Bookshelf, 27 Apr. 2023, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK570571/. Accessed 8 July 2023.
  2. Professional, Cleveland Clinic medical. “Neutrophils.” Cleveland Clinic, https://my.clevelandclinic.org/health/body/22313-neutrophils. Accessed 8 July 2023.
  3. “Blood Differential.” Ucsfhealth.Org, 13 Aug. 2019, https://www.ucsfhealth.org/medical-tests/blood-differential-test. Accessed 8 July 2023.
  4. Rosales, Carlos. “Neutrophil: A Cell with Many Roles in Inflammation or Several Cell Types?” Frontiers in Physiology, vol. 9, Jan. 2018, https://doi.org/10.3389/fphys.2018.00113.
  5. Witter, Alexandra R., et al. “The Essential Role of Neutrophils During Infection with the Intracellular Bacterial Pathogen Listeria Monocytogenes.” Journal of Immunology (Baltimore, Md. : 1950), vol. 197, no. 5, Sept. 2016, https://doi.org/10.4049/jimmunol.1600599.
  6. “What Is an Inflammation?” NCBI Bookshelf, 22 Feb. 2018, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279298/. Accessed 8 July 2023.
  7. Vaillant, Angel A. Justiz, and Faran Ahmad. “Leukocyte Adhesion Deficiency.” NCBI Bookshelf, 12 Feb. 2023, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539770/. Accessed 8 July 2023.
  8. Fernandez, James. “Leukocyte Adhesion Deficiency.” MSD Manuals, 5 Jan. 2023, https://www.msdmanuals.com/professional/immunology-allergic-disorders/immunodeficiency-disorders/leukocyte-adhesion-deficiency. Accessed 8 July 2023.
  9. Thapa, Bicky, et al. “Myeloproliferative Neoplasms.” NCBI Bookshelf, 8 Aug. 2022, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK531464/. Accessed 8 July 2023.
  10. Professional, Cleveland Clinic medical. “Neutropenia.” Cleveland Clinic, https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21058-neutropenia. Accessed 8 July 2023.
  11. Dale, David C. “Neutropenia.” MSD Manuals, 4 Apr. 2023, https://www.msdmanuals.com/professional/hematology-and-oncology/leukopenias/neutropenia. Accessed 8 July 2023.
  12. Chaudhari, Priyanka M., and Shiva Kumar R. Mukkamalla. “Autoimmune and Chronic Neutropenia.” NCBI Bookshelf, 15 Jan. 2023, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560901/. Accessed 8 July 2023.
1